Chúc mừng ngày Quốc Khánh Việt Nam 2/9 (2/9/1945-2/9/2021).
- Người viết: An Viet Ventures lúc
- Podcasts
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong các tiền thân của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. (Sapo)
69 năm đã qua, những giá trị dân chủ, công bằng của Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đang tiếp sức cho dân tộc Việt Nam đi tới với niềm tin vững chắc. Bản Tuyên ngôn độc lập đã và đang là những sức mạnh tinh thần để dân tộc Việt Nam xây dựng, phát triển đất nước, viết tiếp những dấu ấn trong trang sử vẻ vang của dân tộc. Cùng An Việt điểm qua những mốc thời gian, những địa điểm và những sự kiện và ý nghĩa lịch sử liên quan đến ngày Quốc Khánh 2/9 nhé.
1. Bối cảnh lịch sử
Ngày 19/8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công đã mở ra một trang sử mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cử đồng chí Lê Đức Thọ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội và nghỉ tại thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở căn gác số 48, Hàng Ngang rồi hàng ngày đến làm việc tại nhà số 12 phố Ngô Quyền — trụ sở của Chính phủ lâm thời. Trong các ngày 28 và 29 tháng 8, Người dành phần lớn thời gian viết ra bản Tuyên ngôn độc lập.
Ngày 2/9/1945, trước hàng chục vạn đồng bào ở thủ đô Hà Nội, đại diện cho hơn 20 triệu đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khẳng định Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.”
2. Trang vàng trong lịch sử dân tộc, dấu ấn trong lịch sử thế giới
Ngày 2/9/1945 đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi nhất trong hành trình mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam trước toàn thế giới. Không chỉ vậy, Tuyên ngôn độc lập còn đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Tuyên ngôn độc lập ra đời cũng đánh dấu thắng lợi của gần một thế kỷ dân tộc Việt Nam kiên cường chống thực dân và phong kiến, là thắng lợi của khát vọng tự do, độc lập. Từ đây với tư cách người chủ thực sự của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận: “Sự kiện 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập và xác lập nền Dân chủ Cộng hòa không chỉ chấm dứt chế độ đô hộ của phát xít, của thực dân Pháp mà chấm dứt luôn cả chế độ phong kiến. Sự kiện này đưa đất nước Việt Nam sang một thời kỳ lịch sử mới với nền tảng là nền dân chủ cộng hòa để từ sức mạnh của quốc gia độc lập ấy, chúng ta tiếp tục những cuộc kháng chiến giữ nước sau này.”.
Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 không những khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, mà còn báo hiệu sự thành lập một chế độ xã hội mới, chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu á, mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị áp bức, đóng góp cho sự nghiệp giải phóng nhân loại. Giáo sư người Mỹ George Michael cho rằng: Ở tầm quốc tế, sức ảnh hưởng của sự kiện Việt Nam giành được độc lập vào năm 1945 là vô cùng lớn. Sự kiện này như là một hình mẫu cho các quốc gia bị thực dân đô hộ. Tôi cho rằng việc Việt Nam giành được độc lập vào năm 1945 đã truyền cảm hứng cho các nước cũng phải chịu sự áp bức của chế độ thực dân. Tôi nghĩ rằng người dân Việt Nam có một niềm tự hào đặc biệt trước sự kiện này vì họ đã giành được độc lập trước tất cả các quốc gia tại khu vực này trong thời gian sau thế chiến thứ II.”
Trong cuốn sách “Thế giới bàn về Việt Nam” (Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976), tác giả người Anh Thomas Hodgkin nhận định, Cách mạng Tháng Tám là một sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga: “Đó là một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời được 15 năm.
Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa. Nó đã nổ ra trong một thời điểm lịch sử kết thúc cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai… Như vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”.
Còn nhà sử học người Na Uy Stein Tonnesson trong cuốn sách “Cách mạng Việt Nam năm 1945, Roosevelt, Hồ Chí Minh và De Gaulle trong một cuộc chiến tranh thế giới”, xuất bản năm 1991, cũng có chung nhận định: “Cách mạng Việt Nam quan trọng vì không phải đơn thuần xảy ra trong bối cảnh Việt Nam. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu về một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh, quá trình phi thực dân hóa. Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cuộc cách mạng của người Việt Nam có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”.
3. Sự nghiệp Cách mạng huy hoàng mở ra tương lai tươi sáng của đất nước.
Tuyên ngôn độc lập ra đời cũng đánh dấu thắng lợi của gần một thế kỷ dân tộc Việt Nam kiên cường chống thực dân và phong kiến, là thắng lợi của khát vọng tự do, độc lập.
76 năm đã qua, những giá trị dân chủ, công bằng của Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đang tiếp sức cho dân tộc Việt Nam đi tới với niềm tin vững chắc. Bản Tuyên ngôn độc lập đã và đang là những sức mạnh tinh thần để dân tộc Việt Nam xây dựng, phát triển đất nước, viết tiếp những dấu ấn trong trang sử vẻ vang của dân tộc.