Mọi người thường chỉ biết đến những người sáng tạo và thực hiện video, vậy có ai tò mò, rằng người đào tạo ra những photographer hay những cameraman trông ra sao không?
An Việt đã có cơ hội được gặp gỡ một nhân vật vô cùng đặc biệt, là một thầy giáo trong lĩnh vực Quay phim, thầy Vũ Trung Hiếu, một giảng viên đào tạo Video Marketing. Hãy cùng An Việt gặp gỡ và lắng nghe câu chuyện của nhân vật này nhé!
1. Bạn có thể giới thiệu qua về bản thân mình được không?
Tên: Vũ Trung Hiếu (trên giấy tờ là Vũ Tuấn Tú)
Tuổi: 33
Ngành học/Trường học: Kiến trúc / ĐH Kiến trúc HN
Sở thích: Quay phim, chụp hình, hát và vẽ
Ước mơ hồi bé: Trở thành diễn viên
Công việc hiện tại: Diễn giả đào tạo Video Marketing và giảng viên đại học
2. Điều gì đưa bạn đến với công việc đào tạo Video Marketing?
Trong những năm làm nghề về video và phim ảnh tôi nhận thấy chi phí để tạo ra một Video quảng cáo là rất lớn, những doanh nghiệp nhỏ hoặc những bạn trẻ mới kinh doanh muốn có Video quảng cáo để bán hàng sẽ khó lòng đảm đương nổi chi phí này. Bên cạnh đó nhờ sự phát triển của công nghệ, điện thoại thông minh đang cho chất lượng quay Video ngày một đẹp hơn nên việc chúng ta tận dụng công cụ “nhỏ bé” này để làm Video quảng cáo là hoàn toàn khả thi và cực kỳ tiết kiệm.
3. Bạn đã gặt hái được những thành công nhất định nào trong suốt quá trình làm việc?
Khi thấy học viên / sinh viên của mình có thể tự ghi hình một cách thành thạo những Video quảng cáo đơn giản mà hiệu quả, tất nhiên là với nội dung hấp dẫn và sáng tạo…đó là thành công mà tôi gặt hái được. Chương trình đào tạo “Video 3 ngày” của tôi cũng có những mẫu Video quảng cáo đã được thiết kế sẵn độc quyền, học viên chỉ cần thả hình ảnh sản phẩm vào mẫu đó là có ngay Video để sử dụng, tiết kiệm đến 90% chi phí so với thuê ngoài. Học viên của tôi rất thích thú với những trải nghiệm như vậy. Cho đến hiện tại đã có hơn 30.000 học viên tham gia khoá học, đây là tín hiệu tốt để tôi tiếp tục phát triển những sản phẩm mới chất lượng hơn.
4. Gia đình bạn có ủng hộ bạn theo đuổi điều này không?
Lúc đầu điều đó (sự ủng hộ) không xảy ra, mẹ tôi phản ứng khá gay gắt. Bà từng nói với tôi “nếu mày còn tiếp tục video với phim ảnh tao sẽ từ mặt mày” nhưng rồi, một thời gian ngắn sau đó khoảng 2 năm bà đã làm điều ngược lại (tức là “quay xe” ủng hộ).
5. Động lực giúp bạn luôn kiên trì với lựa chọn, quyết định của mình là gì?
Tôi cũng không rõ, có điều gì đó thôi thúc tôi quan tâm nhiều tới máy quay, tới việc quay phim, biên tập chỉnh sửa để ra được Video thành phẩm và tôi làm theo thôi thúc đó. Có lẽ đây là đam mê và định mệnh.
6. Bạn nghĩ sao nếu một người trẻ không có ước mơ/đam mê hoài bão? Ai cũng có điều đó (ước mơ/đam mê hoài bão), chỉ có điều chúng ta có nhận ra hay không mà thôi.
Nếu vậy làm cách nào nhận ra đam mê hoài bão của mình? Hãy thử trả lời 2 câu hỏi: Lúc rảnh rỗi bạn dành nhiều thời gian cho việc gì và nếu phải làm việc đó miễn phí bạn có làm không? Nếu câu trả lời là “có” khả năng cao đó sẽ là đam mê hoài bão của bạn. Bằng kinh nghiệm thực tế của mình tôi có thể khẳng định: Một đam mê dù kỳ lạ đến mấy cũng có thể giúp bạn biến đam mê đó thành công việc và công việc đó nhiều khả năng sẽ trở thành sự nghiệp cả đời của bạn.
7. Những yếu tố/bí kíp nào giúp bạn cân bằng được giữa học tập và làm việc, đảm bảo chất lượng của cả 2 việc?
Chỉ cần bạn chắc rằng mình đang học tập và làm việc trong cùng một lĩnh vực, ranh giới giữa học và làm sẽ mờ đi và bạn có thể làm tốt cả hai. Trường hợp của tôi là ngược lại, tôi làm việc về phim ảnh nhưng lại học tập về kiến trúc. Lúc đó tôi sẽ kết hợp cả 2 nhưng trong việc học tập, tôi sẽ ưu tiên học những môn có thể bổ trợ cho công việc của mình nhiều hơn.
8. Bạn có tham gia các hoạt động ngoại khóa không? Bạn nghĩ việc tham gia các hoạt động ngoại khóa có quan trọng không? Nếu có thì tại sao?
Rất thường xuyên, rất quan trọng vì hoạt động ngoại khoá sẽ giúp bạn tìm và xây dựng được “đội nhóm mơ ước” của mình. Điều này rất có ích khi bạn làm việc chuyên nghiệp sau này. Hoạt động ngoại khoá cũng giúp bạn trau dồi một số kỹ năng mềm và luyện tập khả năng đưa ra quyết định.
9. Bạn nghĩ mình là một người thành công do may mắn hay thành công do sự cố gắng nỗ lực của bản thân?
Trường hợp của tôi là cả 2. Tôi cố gắng nỗ lực trước và sau đó khi may mắn đến, tôi nhìn thấy và nắm bắt được.
10. Bạn có cảm thấy“peer pressure” không?
Có. Trên thang điểm 1-10, mức độ “peer pressure” của bạn là bao nhiêu? Khoảng 3-4 khi bắt đầu đi làm và giờ là 1-2.
11. Bạn nghĩ sao về “peer pressure” hay “áp lực thành công sớm” trong giới trẻ hiện nay?
Đây là điều rất dễ xảy ra vì khi còn trẻ chúng ta chưa có đủ hiểu biết về chủ đề này để làm chủ được nó. Chúng ta thường chạy theo định nghĩa “thành công” của người khác và tự tạo ra áp lực cho bản thân mình. Khi chưa hiểu rõ “thành công là gì” đồng nghĩa là bạn không thể kiểm soát được việc nó sẽ đến sớm hay muộn. Cách giải quyết tốt nhất là hãy tự tìm một định nghĩa về “thành công” cho riêng mình! Lợi và hại trước “áp lực” này? Áp lực thường sẽ đẩy chúng ta về phía trước, tiến bộ và phát triển. Đây là điều có lợi! Nhưng nếu áp lực đó tác động không tốt đến bạn (về mặt tinh thần và sức khoẻ)…nó không còn là điều có lợi nữa. Hãy tỉnh táo và bạn hoàn toàn có thể bắt đầu lại từ đầu :)
12. Bạn nghĩ giới trẻ có nên đi làm, “lăn lộn” sớm không?
Có (nếu thời gian của bạn cho phép). Tại sao? Đi làm sớm sẽ giúp bạn nhận ra “lĩnh vực mình thuộc về” sớm hơn và từ đó mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bạn sẽ không còn cảm giác mình đang phải “đi làm” nữa và điều đó sẽ giúp bạn tạo ra những điều tuyệt vời!