Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo

Trong những năm qua, tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đổi mới đang phát triển rất mạnh mẽ, có hơn 3 nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Cùng với đó là sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, giúp cho thị trường khởi nghiệp ngày càng giàu tiềm năng phát triển.

2. Đứng thứ 3 khu vực

Khởi nghiệp sáng tạo dựa trên sự đam mê, trải nghiệm và công nghệ cao, từ đó tạo ra các mô hình, sản phẩm sáng tạo, các đột phá trong tăng trưởng, vượt trội trong cạnh tranh… nhằm giải quyết một hoặc nhiều nhu cầu nào đó đến từ thị trường. Số liệu thống kê cho thấy, hiện Việt Nam đứng thứ ba ở Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện huy động vốn dưới nhiều hình thức khác nhau như: Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng một số quỹ khác; nguồn vốn từ đối tác; nguồn vốn nước ngoài; tín dụng và bảo lãnh; huy động từ thị trường vốn thông qua cổ phiếu, trái phiếu; vốn tự có và vốn đóng góp. Thực tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam chủ yếu gọi vốn từ các quỹ tài chính nhà nước, các kênh như quỹ đầu tư về chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư cá nhân hoặc các tổ chức phi chính phủ. Các thương vụ lớn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi các nhà đầu tư trong nước vẫn chưa mạnh dạn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp.

Topica Founder Institute cho rằng, lượng vốn nước ngoài và quỹ đầu tư mạo hiểm đổ vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã tăng 3 lần trong giai đoạn 2016 - 2018, từ 205 triệu USD lên gần 900 triệu USD với số thương vụ tăng gần gấp 2 lần, từ 50 thương vụ (năm 2016) lên 92 thương vụ (năm 2018). Trong khi đó, theo số liệu của Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ), tổng giá trị các thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay là 290,43 triệu USD; số lượng thương vụ đầu tư là 56 thương vụ, trong đó 34 thương vụ đầu tư được công bố giá trị.

Theo thống kê của Tạp chí Echelon (Singapore), Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp). Khoảng 40 cơ sở ươm tạo khởi nghiệp, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên cả nước. Về hoạt động tài chính, hiện có khoảng 40 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam.

Nghiên cứu của Tập đoàn Amway phối hợp cùng Trường Đại học Technische Universitat Munchen, Công ty nghiên cứu thị trường Gesellschaft fuer Konsumforschung thực hiện trong năm 2017 cũng cho thấy, Việt Nam dẫn đầu thế giới về tinh thần khởi nghiệp, đứng thứ hai về thái độ tích cực với khởi nghiệp. Tỷ lệ người Việt có thái độ tích cực với khởi nghiệp (95%) cao hơn mức trung bình thế giới (77%). Bên cạnh đó, 96% người Việt được khảo sát cũng cho rằng, họ hoàn toàn cảm thấy thoải mái với việc tìm kiếm và thu hút khách hàng tiềm năng. 76% người Việt muốn khởi nghiệp “để được độc lập trong kinh doanh và tự chủ trong công việc kinh doanh của mình”… Những con số trên cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam trong thời gian gần đây.

Doanh nghiệp khởi nghiệp đã tạo thêm nhiều việc làm mới cho người lao động, những công việc mới ứng dụng khoa học - công nghệ, không những giúp tăng thu nhập mà còn góp phần vào việc nâng cao trình độ và tăng khả năng thích ứng trong quá trình làm việc cho người lao động. Chẳng hạn như sự phát triển của dịch vụ lái xe taxi thông qua ứng dụng công nghệ, thay vì sử dụng dịch vụ truyền thống; sự phát triển của thương mại điện tử mang lại thu nhập cho một số cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến và các công ty chuyên dịch vụ vận chuyển.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp khởi nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp khởi nghiệp khi tham gia vào nền kinh tế sẽ tạo ra những yếu tố mới và nâng cao giá trị cho đất nước. Những ứng dụng công nghệ trong sản xuất, như trí tuệ nhân tạo, sử dụng vật liệu mới, dây chuyền sản xuất tự động dùng rô-bốt… là những bước tiến dài giúp nâng cao hiệu suất và giảm chi phí cũng như các tác động tiêu cực đến môi trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp khởi nghiệp góp phần hình thành nền kinh tế thị trường. Đối với Việt Nam, khởi nghiệp sáng tạo góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. 

2. Tháo gỡ khó khăn

Mặc dù vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của nước ta còn tồn tại nhiều khó khăn, rào cản, kém sức cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực. Các hạn chế chủ yếu do môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi cho khởi nghiệp, quy định về điều kiện kinh doanh chưa phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thiếu hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu; hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước hạn chế, thủ tục phức tạp; chưa có hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ mới; nhân lực công nghệ bị thiếu hụt cả về chất lượng và số lượng…

Hoạt động đầu tư mạo hiểm vào quá trình đổi mới công nghệ thường tiềm ẩn nhiều rủi ro và tỷ lệ thành công ở mức thấp. Chính vì vậy, Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ cần có những biện pháp khơi thông dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup sáng tạo để tạo môi trường đầu tư thuận lợi hỗ trợ cho sự phát triển hình thức đầu tư vốn mạo hiểm (phát triển thị trường dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực tài chính, quản lý, công nghệ, luật pháp…); thành lập hiệp hội các nhà đầu tư vốn mạo hiểm Việt Nam.

Để xây dựng nền tảng pháp lý cho hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm, trước mắt, Chính phủ cần có những quy định cụ thể hướng dẫn hoạt động đầu tư vốn mạo hiểm như: phạm vi đầu tư mạo hiểm, các lĩnh vực khuyến khích đầu tư, cơ cấu tài sản đầu tư của các quỹ, quy chế thành lập và hoạt động của quỹ đầu tư mạo hiểm. Tiếp tục khuyến khích phát triển các hình thức đầu tư vốn mạo hiểm thông qua các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng.

Sự sáng tạo sẽ là chìa khóa căn bản để giúp Việt Nam có thể vững bước phát triển, từ một quốc gia có thu nhập trung bình thành một đất nước giàu có. Việt Nam cũng nên học hỏi kinh nghiệm của các nước phát triển trong các hoạt động thúc đẩy đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu và phát triển.

Các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề cần tăng cường uy tín năng lực và ảnh hưởng của các tổ chức để phát huy vai trò như là cầu nối giữa Nhà nước với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, thực hiện tốt vai trò là kênh phản biện quan trọng đối với các chính sách về doanh nghiệp, cho phép cộng đồng doanh nghiệp có thể tham gia giám sát và đánh giá các cơ quan nhà nước để làm cơ sở đưa ra những kiến nghị, đề xuất cải thiện các chất lượng dịch vụ.

Đáng chú ý, khả năng tiếp cận thông tin và vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp còn thấp. Các nhà đầu tư thường có rất ít thông tin về doanh nghiệp, triển vọng thị trường, sản phẩm, năng lực nhà sáng lập và các vấn đề có liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp. Chính vì thiếu thông tin dẫn tới rủi ro không lường trước trong quá trình đầu tư. Về phía các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn, từ gọi vốn cộng đồng, nhà đầu tư mạo hiểm hay cả tín dụng từ ngân hàng. 

(Sưu tầm)

Bài sau
Bình luận của bạn sẽ được duyệt trước khi đăng lên
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.